Bí kíp Quảng Ninh hút vốn hạ tầng kết nối giao thông

Quảng Ninh đã trở thành một trong những địa phương đi đầu và thành công nhất trong việc huy động vốn PPP đầu tư phát triển hạ tầng giao thông

Từ một tỉnh bị chia cắt vì giao thông nghèo nàn, mọi sinh hoạt và giao thương đều phụ thuộc vào các chuyến phà ngang sông, cửa biển, đường miền núi, đến nay, Quảng Ninh đã trở thành một trong những địa phương đi đầu và thành công nhất trong việc huy động vốn PPP đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, rộng mở cánh cửa kết nối giao thương.

Kỳ 1: Nắm bắt cơ hội, tháo gỡ “nút thắt” quy hoạch

Nhận thấy KT-XH bị “kìm kẹp” bởi hệ thống hạ tầng giao thông độc đạo, xuống cấp, tỉnh Quảng Ninh đã chớp thời cơ thay đổi quy hoạch và mạnh dạn xin Chính phủ hỗ trợ, gia tăng thu hút các nhà đầu tư để cùng nhau “phá vỡ” bức tường kết nối giao thông.

“Mang tiền đi lấy kết nối”

Còn nhớ, năm 2012, tại hội nghị xúc tiến đầu tư lần đầu tiên được Quảng Ninh tổ chức, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã chỉ ra điểm yếu của Quảng Ninh trong thu hút đầu tư do giao thông không thuận lợi, khiến chi phí lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Một doanh nhân Hàn Quốc đã so sánh, đi từ Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đến Thủ đô Hà Nội (Việt Nam) dài gần 3.000km chỉ mất 4 giờ 30 phút, nhưng di chuyển từ Thủ đô Hà Nội đến TP Hạ Long (200km) cũng mất từng ấy thời gian. Chính vì bất lợi về giao thông đã khiến Quảng Ninh dù có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nhưng vẫn khó mời gọi đầu tư.

Nhận diện được những bất lợi về hạ tầng giao thông, UBND tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn đổi mới tư duy, có nhiều ý tưởng phát triển đột phá, tự tháo gỡ “nút thắt”. Lúc này, Quảng Ninh đã chỉ đạo quy hoạch không làm đơn lẻ mà làm đồng bộ 7 quy hoạch chiến lược. Khi làm quy hoạch phát triển KT-XH đồng thời triển khai ngay quy hoạch chung xây dựng, xác định liên kết vùng, giao thông chiến lược. Thời cơ để quy hoạch của Quảng Ninh đã đến, khi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được triển khai, vốn đầu tư giao thông được “xoay trục” để làm dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và cầu Bạch Đằng, đặc biệt, Quảng Ninh được Chính phủ cho phép tự huy động các nguồn vốn hợp pháp để tạo đột phá.

Trong quá trình triển khai dự án, Quảng Ninh gặp khó khăn do nguồn vốn để thực hiện cầu nối Quảng Ninh - Hải Phòng qua sông Bạch Đằng rất lớn. Đây là cây cầu có nhiều yếu tố phức tạp, kể cả đường dẫn và cầu dẫn có chiều dài hơn 5km mới có thể kết nối đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Trước khó khăn này, Quảng Ninh lại một lần nữa đề xuất ý tưởng với Chính phủ huy động nguồn lực ngoài ngân sách, đổi mới tư duy, cách làm thông qua thực hiện các mô hình đầu tư BOT cầu Bạch Đằng và được chấp thuận.

Ông Vũ Văn Diện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, để thu hút các nhà đầu tư vào dự án, tỉnh Quảng Ninh đã xác định phải “đào sâu suy nghĩ”, không đi vào “vết xe” của các tỉnh bạn. Không chỉ lắng nghe, tỉnh đã cùng bàn bạc, phân chia công việc “nhà đầu tư làm gì, tỉnh làm gì”.

“Với dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng nối cầu Bạch Đằng, ban đầu lựa chọn phương án đổi đất lấy cầu, đường nhưng toàn bộ quỹ đất đầm nhà Mạc, cánh rừng ngập mặn và những quỹ đất khác hình thành sau khi làm đường sẽ giao cho nhà đầu tư, coi như “mất đất”. Vì thế, chúng tôi không thực hiện mà chuyển sang phương án nhà đầu tư làm và tỉnh có nghị quyết HĐND để bù lỗ trong giai đoạn đầu nhưng chưa thực sự hiệu quả. Cuối cùng, chúng tôi chọn phương án tỉnh làm đường dẫn, nhà đầu tư làm cầu. Với tính cấp thiết làm cầu mà không làm đường thì thành cầu treo, làm đường không làm cầu thành đường cụt nên cả hai bên đều nỗ lực hoàn thành dự án”, ông Diện nói.

Chỉ trong thời gian ngắn, 8 nhà đầu tư trong nước đã đề xuất được tham gia đầu tư dự án cầu Bạch Đằng và nút giao cuối tuyến với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng. Còn ngân sách của Quảng Ninh đầu tư dự án tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng hơn 6.000 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh đã bỏ ra 300 tỷ đồng để giúp TP Hải Phòng giải phóng mặt bằng.

“Khoảng 10 năm trước, tỉnh Quảng Ninh cũng thống nhất nghị quyết mang tiền của tỉnh cùng với Bộ GTVT đi làm cầu Bình trên địa bàn tỉnh Hải Dương để liên kết giao thông. Như vậy, Quảng Ninh luôn sẵn sàng mang tiền đi lấy kết nối”, vị Phó Chủ tịch nói.

Đa dạng chiến lược thu hút đầu tư

Theo ông Vũ Văn Diện, trước đây, Quảng Ninh không có vốn để làm giao thông, chỉ có ngân sách địa phương cân đối, tập trung vào các dự án nội vùng, không tính đến liên kết ra ngoài. Từ khi có hình thức PPP (đầu tư công - tư) kích cầu, quy hoạch được phê duyệt, các nhà đầu tư cũng rất nhạy bén đổ về Quảng Ninh. Từ đây, các nhà đầu tư triển khai hạ tầng trong khu vực của họ, giá trị đất đai tăng lên và làm nguồn thu ngân sách của Quảng Ninh cũng tăng lên.

“Ngay từ đầu phải xác định mong muốn của tỉnh, nguyện vọng của nhà đầu tư, phân chia công việc cho cả hai. Tỉnh sẽ chịu trách nhiệm về giải phóng mặt bằng và thủ tục hành chính. Đây là hai nhiệm vụ trọng tâm mà Quảng Ninh tập trung chỉ đạo và Bí thư cấp ủy sẽ là Trưởng ban GPMB”, ông Diện nói.

Theo quy định, công tác GPMB là nhiệm vụ của chính quyền nhưng tại Quảng Ninh, để cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân vào cuộc. Bí thư cấp ủy là trưởng ban chỉ đạo và thành lập ban chỉ đạo với sự tham gia của tất cả những người đứng đầu trong hệ thống chính trị.

“Khi “khách vào nhà”, lãnh đạo tỉnh cùng cán bộ các sở, ban, ngành và địa phương làm việc ngay từ đầu để thống nhất nhận thức và phương châm hành động, bảo đảm được chủ trương thống nhất từ trên xuống dưới, trình tự đúng pháp luật từ dưới lên trên. Nhà đầu tư đưa ra ý tưởng, tập thể lãnh đạo tỉnh, ban ngành, địa phương cùng ngồi nghe, nếu thống nhất sẽ làm trình tự từ dưới lên, bảo đảm quy định pháp luật, tỉnh thống nhất chủ trương nhưng không áp đặt, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư”, ông Diện nói.

Điều đặc biệt ở Quảng Ninh là cam kết với ngân hàng để hỗ trợ cho nhà đầu tư. Tỉnh liên tục có những hành động thực tiễn để các ngân hàng thấy rằng tài trợ vốn cho địa phương là yên tâm. “Với cầu Bạch Đằng, thời gian đầu ngân hàng chưa giải ngân, niềm tin còn chưa vững vì chưa biết khi nào dự án mới thực hiện. Nhưng khi biết Quảng Ninh tích cực triển khai dự án cao tốc, đường dẫn, chứng minh được khả năng bố trí nguồn vốn ngân hàng bắt đầu tin tưởng. Chúng tôi cũng chủ động trao đổi với ngân hàng cần phải hỗ trợ những văn bản gì theo quy định pháp luật mà tỉnh có thể ban hành để sẵn sàng giúp nhà đầu tư”, ông Diện cho biết.

Ông Đặng Minh Trường, Tổng giám đốc Sun Group đánh giá, Quảng Ninh đã tập trung cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, thành lập ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, từ đó rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Điều đó được thể hiện qua việc Quảng Ninh là tỉnh dẫn đầu trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017, với hơn 80% doanh nghiệp đánh giá thủ tục niêm yết công khai, cán bộ am hiểu chuyên môn, hướng dẫn rõ ràng, có thái độ thân thiện trong giải quyết đăng ký mới hay thay đổi thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

Các nhà đầu tư nói chung và Sun Group nói riêng luôn được tỉnh Quảng Ninh tạo điều kiện thuận lợi, đúng như khẳng định của ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: “Phương châm chính quyền phục vụ doanh nghiệp, người dân, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng phát triển kinh tế”.

Tư duy phát triển năng động, cởi mở với nhiều chính sách đột phá thu hút các nhà đầu tư, Quảng Ninh đã tạo ra một sân chơi hấp dẫn không chỉ đối với Sun Group mà còn với nhiều doanh nghiệp khác, góp sức cùng với lãnh đạo và nhân dân Quảng Ninh thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế đã đặt ra.

Theo Báo Giao thông

 

 

 

Tin tức nổi bật