Cú hích từ dự án BOT giúp “xứ dừa” đột phá

Việc đầu tư nhiều công trình theo hình thức BOT, nhất là cầu Rạch Miễu, Cổ Chiên không những giúp Bến Tre phá thế “ốc đảo” mà còn “lột xác”, phát triển kinh tế, du lịch mạnh mẽ.

Phá thế “ốc đảo”

Nhiều người vẫn nhớ, đã bao đời nay, Bến Tre được ví như một “ốc đảo” bị cô lập với bên ngoài khi lưu thông đường bộ bị chia cắt. Trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, để xây dựng một cây cầu dây văng với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng vào thời điểm những năm đầu thế kỷ 21 là rất khó khăn. Trước tình hình đó, Chính phủ đã cho phép thực hiện đầu tư cầu Rạch Miễu theo hình thức BOT.

Vì thế, công trình cầu Rạch Miễu được khởi công vào tháng 4/2002, có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 11km, là một sự kiện có ý nghĩa lớn đối với người dân “xứ dừa”. Trong đó, phần chính của cầu khoảng 2.800m, đoạn dây văng dài 504m với 112 bó cáp treo. Mặt cầu rộng 50m và độ tĩnh không thông thuyền là 37,5m. Đến ngày 19/1/2009, cầu Rạch Miễu chính thức khánh thành trước niềm vui khôn xiết của người dân “xứ dừa”.

Chiều 26/8, trao đổi với Báo Giao thông, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, nếu không thực hiện theo hình thức BOT, chưa biết đến bao giờ Bến Tre mới xây dựng được một cây cầu tầm cỡ như Rạch Miễu và thế cô lập của Bến Tre chưa biết bao giờ mới phá vỡ.

Lãnh đạo tỉnh Bến Tre cũng chia sẻ, sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng khách du lịch đến với Bến Tre những năm qua cho thấy hiệu quả về KT-XH do cầu Rạch Miễu mang lại. Năm 2008, khi chưa có cầu Rạch Miễu, du khách đến Bến Tre chỉ khoảng 377.000 lượt mỗi năm. Đây là một con số vô cùng khiêm tốn so với các địa phương thuộc khu vực phía Nam. Thế nhưng, năm 2016, tổng khách du lịch đến Bến Tre đã tăng gấp nhiều lần và đạt trên 1.150.000 lượt. Đặc biệt, trong đó, khách quốc tế đạt 500.000 lượt, khách nội địa đạt 650.000 lượt. Nguồn thu từ các hoạt động du lịch đạt 860 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ với địa phương thuần nông như Bến Tre.

Hút nhà đầu tư, phát triển kinh tế

Cũng trên tuyến QL60 từ Tiền Giang qua Bến Tre đến Trà Vinh, dự án cầu Cổ Chiên đã được lập kế hoạch đầu tư với trên 3.000 tỷ đồng bằng vốn ngân sách từ năm 2011. Khi dự án mới triển khai được một số hạng mục nhỏ ở hai bờ lại phải tạm dừng vì hết vốn. Dự án bị đình hoãn một thời gian dài và không biết ngày nào có vốn để tái khởi động.

Trước tình hình đó, Chính phủ cho phép chuyển đổi sang hình thức đầu tư BOT kết hợp ngân sách Nhà nước. Trong đó, ngân sách Nhà nước góp vốn là 1.044 tỷ đồng, còn lại 1.264 tỷ đồng do liên doanh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO1), Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc thực hiện. Đầu tháng 8/2013, cầu Cổ Chiên được tái khởi động và đến tháng 5/2015 dự án hoàn thành.

Sau cầu Rạch Miễu, việc hoàn thành cầu Cổ Chiên thực sự tạo ra lợi thế to lớn cho Bến Tre đột phá phát triển KT-XH và kêu gọi các nhà đầu tư đến làm ăn. Ông Cao Văn Trọng cho biết, trước đây, tỉnh muốn mời gọi nhà đầu tư đến làm ăn trên địa bàn rất khó khăn vì đường sá cách trở. Từ khi cầu Rạch Miễu, Cổ Chiên hoàn thành đã tạo hành lang kết nối với TP HCM và các địa phương khác rất thuận lợi trong đi lại, vận chuyển hàng hóa.

“Bến Tre những năm gần đây có tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh, thể hiện rõ nhất là khu vực đô thị và trung tâm TP Bến Tre. Nhiều nhà máy, xí nghiệp được xây dựng dọc các trục lộ chính như QL60, QL57… Đặc biệt, trong 5 năm qua, cả hai Khu công nghiệp Giao Long và An Hiệp đã được lấp đầy rất nhanh. Nếu không đầu tư theo hình thức BOT mà chỉ trông chờ vào ngân sách, chưa biết lúc nào cầu Rạch Miễu, Cổ Chiên mới được đầu tư, thế cô lập của Bến Tre sẽ tiếp tục kéo dài và kinh tế vẫn còn lạc hậu”, ông Trọng nói.

Trao đổi thêm với Báo Giao thông ngày 26/8, ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh chia sẻ, nếu không chuyển dự án cầu Cổ Chiên sang hình thức BOT mà chỉ chờ ngân sách, chưa biết khi nào dự án mới hoàn thành. Ông Hoàng thẳng thắn, nếu có sự lựa chọn, tất nhiên không địa phương nào chọn đầu tư theo hình thức BOT vì người dân phải trả phí. Nhưng trong điều kiện nguồn ngân sách không có, đầu tư BOT là phương án tối ưu.

Nói về lợi ích của dự án BOT Cổ Chiên, ông Hoàng cho biết, nếu như trước đây người dân Trà Vinh muốn lên TP HCM để chữa bệnh phải vòng lên QL1 với hơn 4 giờ đồng hồ, thì nay đi theo QL60 qua Bến Tre, Tiền Giang, rút ngắn hơn 70km và chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ. “Chỉ riêng việc rút ngắn thời gian cũng đã thấy được hiệu quả của dự án đối với đời sống người dân. Cùng với đó, rất nhiều nhà đầu tư đã về Trà Vinh tìm hiểu đầu tư, kinh tế địa phương cũng phát triển đi lên”.

Phan Tư - Hải Đường – Báo Giao thông

 

Tin tức nổi bật