Nhiều dự án xây dựng công trình giao thông có quy mô lớn... đã được các kỹ sư, công nhân Việt Nam làm chủ...
Hôm nay (14/8), tiến tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống (28/8/1945- 28/8/2015) và Đại hội Thi đua yêu nước ngành GTVT, Bộ GTVT tổ chức buổi gặp mặt cán bộ khoa học ngành GTVT qua các thời kỳ. Nhân sự kiện này, báo Giao thông đã cùng các nhà khoa học nhìn nhận lại những thành tựu về KHCN đã được ứng dụng vào lĩnh vực GTVT thời gian qua.
Nhiều dự án xây dựng công trình giao thông có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, kỹ thuật phức tạp nhất thế giới hiện nay đã được các kỹ sư, công nhân Việt Nam làm chủ...
Thăng hoa về công nghệ cầu
Theo TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội KHKT cầu đường VN, khoảng thời gian từ năm 1995 đến nay là giai đoạn thăng hoa nhất của việc áp dụng KHCN vào lĩnh vực GTVT. Trong đó, công nghệ xây dựng cầu có những thành tựu nổi bật.
“Nếu trước kia chúng ta chỉ xây dựng được những cây cầu bê tông hoặc bê tông dự ứng lực có nhịp đơn giản, chiều dài tối đa là 33 m hoặc làm được kết cấu móng cọc, cọc bê tông cốt thép, cọc đóng có kích thước 40:40 cm, 45:45 cm, chiều sâu rất hạn chế, thi công rất khó khăn tại các địa tầng phức tạp, thì nay chúng ta đã xây dựng được nhiều loại cầu khác nhau về mặt kết cấu. Đó là các cầu bê tông dự ứng lực có khẩu độ lớn, đến 150 m. Chúng ta cũng đã tự thiết kế, xây dựng, thi công được những cây cầu dây văng khẩu độ rất lớn như: cầu Rạch Miễu có chiều dài nhịp đến 270 m”, TS. Long nói.
Các dự án ODA sử dụng công nghệ, thiết bị và lực lượng xây dựng nước ngoài cũng đã chứng minh khả năng làm cầu đã đi rất xa, với những cây cầu dây văng có khẩu độ đến 550 m như: cầu Cần Thơ, cầu Nhật Tân có chuỗi dây văng liên tục 5 nhịp như cổng chào 5 cửa ô Hà Nội. Hoặc như cầu Bãi Cháy, rất đẹp, nên thơ được ví như “cây đàn Hạ Long” bắc qua Cửa Lục. Ngày nay, có những thành phố lớn như Đà Nẵng đã nhận thức được việc xây dựng kết cấu cầu không chỉ đơn thuần là công trình giao thông mà còn nâng tầm thành tác phẩm nghệ thuật, làm đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, tạo thành điểm nhấn của bộ mặt đô thị…
“Đi sâu vào chi tiết công nghệ, có thể xây dựng các công trình với nền móng cọc khoan nhồi có đường kính 2-2,5 m, chiều sâu hàng trăm mét dưới lòng đất như các cầu: Cần Thơ, Vàm Cống , Cao Lãnh hay Mỹ Thuận… Có thể nói đấy là những thăng hoa về công nghệ cầu”, TS. Long cho biết.
Đánh giá về công nghệ cầu Việt Nam trong những năm gần đây, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT) cho biết, đến nay, hầu hết các công nghệ xây dựng cầu bê tông cốt thép hiện đại đã được chuyển giao vào Việt Nam để đảm bảo tính linh hoạt, thích ứng với nhiều loại hình trong xây dựng.
“Đặc biệt, chúng ta đã làm chủ và áp dụng thành công vào thực tế công trình cầu dây văng nhịp lớn do các đơn vị trong nước tự thiết kế, thi công. Ngành cầu Việt Nam cũng đã tự thiết kế các công trình có địa hình và tính chất kỹ thuật phức tạp, sử dụng vật liệu chất lượng cao và công nghệ thi công đặc biệt như cầu Pá Uôn có trụ cao gần 98 m. Nhiều công trình cầu vượt đô thị và các nút giao thông có yêu cầu kỹ thuật phức tạp như cầu chéo góc, cầu cong không gian, nút giao ba tầng, cầu đường sắt… cũng đã được các kỹ sư, công nhân Việt Nam làm chủ, tự thiết kế và thi công…”, ông Thắng phân tích.
Công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nhiều dự án
Không chỉ để lại dấu ấn trên những cây cầu, việc chuyển giao, tiếp thu công nghệ còn được thực hiện trong hầu hết các lĩnh vực xây dựng, quản lý, tư vấn thiết kế… đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả khai thác công trình.
Theo ông Nguyễn Văn Nhân, nguyên Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT): “Nổi bật nhất trong thành tựu KHCN thời gian qua là các lĩnh vực xây dựng công trình. Nhiều công trình cầu đường, hầm, đường sắt trên cao mà thời gian trước đây chúng ta chưa dám nghĩ đến thì nay đã làm chủ. Các công nghệ về thiết kế, thi công chúng ta cũng đã tiếp cận được với công nghệ thế giới. Kể cả trong lĩnh vực đóng tàu, dù kỹ thuật rất phức tạp nhưng chúng ta cũng đã tiếp cận được và đã đóng được tàu để xuất khẩu…”.
TS. Nguyễn Ngọc Long cũng cho biết, đường cao tốc, giao thông đô thị phát triển mạnh mẽ cũng là cơ sở để tạo những bước đột phá cho công nghệ quản lý hạ tầng giao thông. Nhiều công nghệ mới đã được ứng dụng xây dựng đường sắt đô thị, công trình ngầm. Trước chưa ai dám nghĩ đến xây dựng đê chắn sóng vĩnh cửu nhưng nay đã có những con đê chắn sóng lớn ở cảng Tiên Sa, Cái Mép - Thị Vải, Sơn Dương… Đặc biệt luồng Quan Chánh Bố được xây dựng dài đến 24 km là một kỳ tích xây dựng công trình giao thông. Về công nghệ quản lý giao thông, trong thời gian qua chúng ta đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ quản lý ITS (giao thông thông minh) chủ yếu được thực hiện trên những tuyến đường hiện đại như cao tốc.
KHCN tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ
Theo TS. Nguyễn Ngọc Long, dù có nhiều thành tựu về KHCN trong lĩnh vực GTVT nhưng đến nay trong một số lĩnh vực, KHCN vẫn chưa thực sự được coi trọng. Đơn cử việc sắp xếp, tổ chức thi công tại nhiều dự án hiện nay vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp. Nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu sự đầu tư về kinh phí. Bên cạnh đó, việc đầu tư bồi dưỡng trình độ, chế độ đãi ngộ để gìn giữ tay nghề của đội ngũ cán bộ, kỹ sư có tay nghề cao, nắm bắt được những công nghệ mới vẫn chưa được chú ý. Đặc biệt do chưa có cơ chế khuyến khích, sử dụng nên nhiều công nghệ được các đơn vị đầu tư lượng lớn tiền của nhưng chỉ sau một công trình đã phải “nằm kho”, gây lãng phí.
“Đến nay, khâu quy hoạch, xây dựng chiến lược cũng chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến tình trạng lộn xộn, gặp đâu làm đó, tạo ra một bức tranh đa sắc màu nhưng lại thiếu sự thống nhất”, ông Long nhận xét.
Phát biểu tại Hội thảo KHCN trong ngành GTVT mới đây, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá rất cao những thành tựu KHCN trong ngành GTVT. Theo Thứ trưởng Đông, nhiều dự án xây dựng công trình giao thông có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, kỹ thuật phức tạp với chất lượng kỹ thuật và mỹ thuật cao, giá thành hạ trong thời gian gần đây đã khẳng định những bước tiến vượt bậc cả về “chất” và “lượng” của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng của ngành GTVT, đạt tầm khu vực và đang từng bước tiếp cận trình độ thế giới. Trong đó, có vai trò đóng góp xứng đáng và hết sức quan trọng của KHCN.
“Để thực hiện thành công nhiệm vụ chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong thời gian tới, việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong quản lý chất lượng xây dựng, quản lý khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cần được đặc biệt quan tâm chú trọng”, Thứ trưởng Đông yêu cầu.
Tiến Mạnh – Báo Giao thông